Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007

"Trưng" và "chưng"

Qua tất cả các trường hợp mà các bạn bên VDict đưa ra, tôi thấy nhiều khả năng từ phát âm là "trưng" (hoặc "chưng") là từ Hán - Việt. Nếu đúng vậy thì nghĩa gốc của nó đây:
  1. Trưng (徵): Mời đến - Thu thuế - Chứng cứ - Công khai hóa cái gì (VD: trưng binh, trưng thu, trưng cầu, trưng tập...) - Họ Trưng - Một âm là "Chủy" chỉ một trong ngũ âm.
  2. Trưng (症 hoặc 癥): Tên một bệnh.
  3. Chưng (烝): Tên một lễ tế mùa đông.
  4. Chưng (蒸): Nấu cách thủy hoặc hong, hơ dùng hơi nóng gián tiếp.
Vì vậy chắc chắn bánh "chưng" là đúng, còn bánh để bầy thì chắc không gọi là "bánh trưng" mà là "trưng bánh" (tính từ đứng trước danh từ mà).
Mà bánh chưng đâu có bầy trong thời gian dài đâu, chỉ được bầy từ khi Giao thừa tới lễ Hóa vàng thôi chứ (có 4 ngày trong thời tiết lạnh giá). Với lượng mỡ trong nhân bánh ngấm ra khi được nén, cộng với thời gian đun tới nửa ngày chắc khó mà hỏng.
Nhớ cái bánh chưng ngày xưa cùng mẹ vo gạo, đãi đỗ, rửa lá... quá! Giá mà bây giờ ngồi làm lại được...

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

Tết Việt.

Bình thường tôi chỉ dám nói cụt lủn - "Tết", nhưng nay quen biết khá nhiều bạn hải ngoại nên đành thêm một từ quen thuộc vào cuối vậy.
Phải nói trước là tại sao người ta gọi là Tết Nguyên Đán. Theo Hán ngữ, "đán" là bình minh, "nguyên" là đầu tiên. "Nguyên đán" là ngày hội chào mừng cái bình minh đầu tiên của một năm - vậy đó.
Chắc chả bạn nào nhớ đâu...
Cái phải nhắc đến đầu tiên là gì? - tầm quan trọng, mà cũng chả biết phải nói nó quan trọng ở điểm nào.
Trước Tết 1 tuần đã có một ngày quan trọng - ngày 23 tháng Chạp đưa Táo quân về Trời. Đông trù Tư mệnh Táo quân là một

trong năm vị bắt buộc phải thờ trong nhà (Cổng, bếp, giếng, toilet và trung ương vị) phụ trách việc sức khỏe gia súc, hòa thuận trong nhà và ngon lành trong ẩm thực. Khi đưa ông này đi rồi ở nhà bắt đầu mua sắm và làm mọi chuyện...
Trong tầm quan trọng đó có một thứ không thể quên - bữa cơm tất niên, tôi thấy nó còn ghê hơn cả chuyện hành hương về Jerusalem của người Do Thái nữa. Bữa cơm đó các thành viên trong gia đình phải tề tựu đầy đủ ở nhà người có vị thế cao nhất (không phải là vật chất) rồi ôn lại xem một năm vừa qua thế nào. Dù có lụn bại thì cũng phải đốt một bánh pháo giao thừa, cũng phải bầy một cây thật nhiều quả - "kết quả" mà... - cho người khác thèm.
Nói phụ thêm chút, hai loại cây thường được bầy nhiều là cây quất và cây sung. Cây quất thì có tích từ nước Tề của Lã Vọng và Án Anh (cái chuyện ăn quýt nhả vỏ và không nhả vỏ), còn cây sung thì "kết quả" rất lâu bền và dân dã.
Cái nhắc đến thứ hai phải là vấn đề Kiêng khem (hay còn gọi là kiêng cữ).
Tôi cam đoan cái này chỉ có ở miền bắc (nếu là trong nước Việt), vì người vùng này quá vất vả trong việc chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Họ chán cái vất vả và chịu đựng rồi... Hồi tôi còn nhỏ, hôm 30 Tết tôi bị mẹ nhắc đi nhắc lại, nào là sáng mồng Một không được động đến chổi, dao, kim chỉ (cha mẹ tôi là thợ may), cuốc, xẻng (ở Hà Nội thì là cái hốt rác)... không được nói "khỉ", "chó", "khổ", "đau"... Nói tục chửi bậy thì coi như đại tội. Lại còn thế này nữa, ngày Mồng Một Tết đó thì gặp ai cũng phải tươi cười và chúc họ hạnh phúc, mạnh khỏe, kể cả cái thằng mình vừa đánh nó một trận nhừ tử ngày hôm trước. Thế mới hay...
Và đến bây giờ đã gần 40 tuổi, nhưng cái cảnh mà tôi rơi nước mắt khi tha hương vẫn là cảnh một gia đình người bắc ở vùng kinh tế mới Phú Yên đang vớt bánh chưng ngày 29 Tết, cái ngày mà tôi vẫn phải đi công tác cách gia đình vạn dặm...
Chao ôi là Tết!